Mẹ chồng, nàng dâu thời @
on 29th December 2015
| 1131 views

Xưa đến nay, quan hệ mẹ chồng nàng dâu khi không thuận hòa, mọi người hay nghĩ “Do khác máu tanh lòng, mấy khi mẹ chồng yêu thương con dâu thật lòng”. Khi mâu thuẫn xảy ra là nghĩ nguyên nhân ắt hẳn nằm ở phía mẹ chồng soi mói, cay nghiệt, khó tính, khó ưa, hay săm soi con dâu… Thế nhưng, len lỏi đâu đó trong các gia đình hiện đại, mẹ chồng lại chính là nạn nhân.

1. Những nàng dâu “tây”
Bà Mỹ ở Song Phương (huyện Hoài Đức,TP Hà Nội) chỉ có mình Tuấn là con trai duy nhất, nhưng trước khi cưới, vợ Tuấn khăng khăng bắt anh cam đoan sau khi cưới, vợ chồng phải ra riêng sống, vì không muốn chung đụng với nhà chồng, bởi tính thích tự do, bay nhảy…

Là con một trong gia đình nên khi nghe yêu cầu của Vợ tương lai, Tuấn cũng rất khó chịu, nhưng vì yêu thương nàng thật lòng nên anh cũng “ừ” đại cho qua chuyện. Sau ngày cưới được một tuần, Vợ Tuấn đã giục chồng dọn ra ở riêng. Dù không muốn xa bố mẹ nhưng làm sao cãi được “lệnh”, khi đêm nào cũng bị Vợ ỉ ôi phải chuyển ra ở riêng càng sớm càng tốt. Tuấn đành lòng xin phép bố mẹ ra riêng với lý do: “Chúng con chuyển lên căn hộ gần trung tâm thành phố cho tiện việc đi lại, làm việc”.
me-chong-nang-dau-thoi-@
Rồi lâu lâu, nàng dâu về thăm bố mẹ chồng, nhưng cũng như “chuồn chuồn đạp nước”, lượn qua một vòng rồi biến mất tăm vì lý do bận rộn. Có lần ông bà nghe tin con về thăm, tất tả đi chợ từ sáng sớm chọn mua thức ăn ngon, về nhà hì hục chế biến, nhưng vợ chồng Tuấn cũng chỉ đụng đũa cho có. Ngày thường là vậy, nhưng đến ngày giỗ kỵ cũng thế, cô con dâu chỉ ghé về vào buổi tối, chốc lát rồi cũng biến mất dạng, với lý do: “Chỉ tại con bận, lại không biết nấu nướng nên bố mẹ thông cảm”.

Cùng khám phá sức khỏe sinh sản của bạn nhé!

Cưới nhau về được vài hôm, công việc làm thì chưa có, ở chung với bố mẹ chồng nhưng con dâu bà Hợi ở phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) sáng nào cũng ngủ dậy muộn, loanh quanh trang điểm, rồi mới đủng đỉnh xuống nhà ăn sáng. Bà Hợi nghĩ, mấy hôm mới cưới, con còn mệt nên bà chủ động dậy đi chợ sớm rồi nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, ai dè con dâu vô ý, cứ tưởng đấy là công việc của mẹ chồng rồi cứ để mặc bà nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Thấy lâu rồi, nhưng con dâu vẫn không có ý định thay đổi thói quen sinh hoạt, bà Hợi thẳng thắn chia sẻ, trò chuyện cho con dâu hiểu: “Theo mẹ thì con nên thế này, thế kia… Như mẹ thời xưa không có chuyện đó, đâu con”.

Bà Hợi kể: “Tôi rất nhẹ nhàng với cháu, bởi cũng hiểu phần nào con dâu hiện đại. Tôi cũng có con gái nên tôi biết, mẹ đẻ thường hay xót xa và chiều con như thế nào. Thế nhưng khi tôi vừa nói ra, con dâu lại dằn dỗi, cho rằng tôi khó tính, thích soi mói, để ý con dâu. Sau đó, cứ nằng nặc kéo chồng ra ngoài thuê nhà ở mấy tháng trời. Nghĩ thương con trai vất vả, lại thương cháu nội sắp chào đời mà phải đi thuê nhà, thành thử tôi phải xuống nước đến năn nỉ và đón con dâu về nhà. Sau đó, con dâu được đà, hỗn hào không coi ai ra gì, nhiều lúc khó chịu quá, đành cố gắng bỏ qua để sống cho êm cửa êm nhà…”
me-chong-nang-dau-thoi-@-1
2. Nguyên nhân là do định kiến?
Theo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, dù xã hội có phát triển đến đâu thì cái gốc của gia đình sẽ không thay đổi, nhất là tình cảm máu mủ trong gia đình. Mối quan hệ với gia đình chồng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự bền vững và hạnh phúc ấm êm của gia đình nhỏ của bạn. Mẹ chồng, nàng dâu có hòa hiếu thì gia đình mới ấm êm. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc răn dạy con cái về sau, ảnh hưởng đến người đầu gối tay ấp của mình, vì đơn giản mình có yêu thương cha mẹ họ thì mới mong họ tôn trọng mình.

Theo PGS,TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, đứng trước mối quan hệ xung khắc giữa mẹ chồng, nàng dâu, người chồng phải là cầu nối để hóa giải mối quan hệ này. Người chồng phải bình tĩnh để tạo ra cơ hội lý giải cho cả hai, đừng để sự nghi kỵ lún sâu hơn. Luôn khéo léo tổ chức bầu không khí gia đình ấm áp để mẹ chồng – nàng dâu xích lại gần nhau hơn. Tìm các giải pháp ứng xử dung hòa để ngăn chặn “chiến tranh” có thể xảy ra trong gia đình. Ngoài ra, là người trung gian ở giữa hai người phụ nữ, người chồng nên có những tác động riêng lẽ đối với từng người, cũng như định hướng lựa chọn cho mỗi người, và luôn hướng mọi người giữ gìn hòa khí chung cho cả gia đình.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, nguyên nhân của những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu thông thường xuất phát từ sự tranh chấp tình cảm của người con trai. Cả hai người (mẹ chồng, nàng dâu) đều muốn sở hữu người đàn ông đó nên ai cũng có tâm lý ích kỷ. Do đó để sống chung mà không có nhiều mâu thuẫn là cả một nghệ thuật. Ai cũng phải học cách tôn trọng, nhường nhịn, và quan tâm đến nhau. Ngoài ra, để giữ cho mối quan hệ giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng được tốt đẹp thì người chồng là nhân tố vô cùng quan trọng. Người chồng có thể làm cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu xung khắc, nhưng cũng có thể làm cho mối quan hệ ấy trở nên gắn kết, vui vẻ, và hòa hợp với nhau.